
Hà Hải Dương, học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhất định phải có SAT hay IELTS 8.0 trở lên
Hiển nhiên, những chứng chỉ quốc tế với kết quả cao là điểm cộng cho bộ hồ sơ du học. Tuy nhiên, chúng không phải tất cả. Về SAT, mình thấy rất nhiều học sinh Việt Nam đạt trên 1500 điểm, nhiều bạn suýt soát mức tuyệt đối 1600 nên cũng đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả sau quãng thời gian ôn luyện chăm chỉ. Thế nhưng, điểm số mình đạt được lại không như mong muốn.
Mình đã tham khảo rất nhiều nguồn, từ đọc báo đến hỏi các anh chị đã du học Mỹ và ý kiến nhận về cũng rất trái chiều. Người thì bảo hội đồng tuyển sinh sẽ không đọc hồ sơ nếu SAT không từ 1550 trở lên, nhưng website của các trường vẫn khẳng định hồ sơ giữa ứng viên có và không có SAT được đánh giá công bằng.
Từ năm ngoái, SAT không còn là tiêu chí bắt buộc với hồ sơ du học Mỹ vì Covid-19 đã khiến hàng loạt kỳ thi phải hủy bỏ. Sau rất nhiều ngày cân nhắc, mình đã không nộp SAT vì cho rằng điểm số không phản ánh toàn bộ con người mình, những gì mình có thể làm và cống hiến cho trường. Ngoài ra, việc không đạt điểm cao như kỳ vọng có thể khiến hồ sơ của mình không gây ấn tượng.
Còn với IELTS, mình đạt 7.5 hoàn toàn nhờ tự học và học trên lớp. Mình tự thấy ngữ điệu và giọng nói của bản thân không thực sự tốt và hay như các bạn chuyên Anh. Tuy nhiên, trong suốt thời gian phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh, mình có thể nghe và hiểu gần như toàn bộ nội dung, thầy cô cũng hiểu mình nói gì. Do đó, mình nghĩ tiếng Anh chỉ là công cụ, nếu bạn có thể dùng nó phục vụ cho việc học tập và trải qua vòng phỏng vấn suôn sẻ, điểm 7.5 hay 8.5 sẽ không có cách biệt quá lớn.
Không nộp trường top cao vì nghĩ bản thân không đủ khả năng
Mình gặp khó khăn về tài chính nên đặt mục tiêu phải xin học bổng từ mọi trường. Covid-19 khiến các đại học Mỹ thắt chặt tài chính nên mình hiểu việc giành học bổng rất khó. Do đó, để an toàn, mình tìm đến những trường top 50-70 của nhóm đại học quốc gia và một số trường nhóm khai phóng, những nơi có tỷ lệ chấp nhận tương đối cao. Sau đó, mình đánh liều gửi thêm một số trường top cao khác như Georgetown, California ở Berkeley và Los Angeles... nhưng với tâm thế không kỳ vọng nhiều.
Kết quả, mình trượt và vào danh sách chờ của rất nhiều trường top 50-70. Lúc đó, mình đã rất sốc và nghĩ rằng "đại học top trung bình còn không đỗ, mình làm sao vào được các trường top cao hơn". Nhưng rồi mình lần lượt nhận thư báo trúng tuyển của những đại học khó nhất trong danh sách đã nộp. Lúc đó, mình thầm cảm ơn sự liều lĩnh của bản thân vì nếu không dám nộp hồ sơ, chắc chắn mình sẽ không thể du học Mỹ.
Mình đồng thời nhận ra rằng không phải cứ top thấp trượt thì top cao cũng trượt. Các trường sẽ xét chọn hồ sơ của bạn trên nhiều tiêu chí, trong đó có mục tiêu, lý tưởng cũng như xem bạn có phù hợp với trường hay không. Do đó, nếu thật sự yêu thích một trường nào, kể cả top cao, cũng đừng bỏ lỡ cơ hội nộp hồ sơ.
Thanh Hằng-vnexpress
